Dù bạn là một nhà quản lý đang mong muốn phát triển đội ngũ nhân viên hay chủ động phát triển sự nghiệp bản thân, tác động mà bạn mong muốn có sức lan tỏa hay không phụ thuộc một phần vào yếu tố chủ chốt mang tên “Huấn luyện” (Coach).
Thay vì là một “Nhà quản lý”, hãy trở thành một “Nhà huấn luyện”.
Thật vậy, theo nghiên cứu của Bersin & Associates, các công ty nơi lãnh đạo cấp cao được trang bị kỹ năng huấn luyện hiệu quả biểu thị kết quả kinh doanh tích cực hơn tới 21% so với các công ty chưa bao giờ áp dụng huấn luyện.
SỰ KHÁC BIỆT CỦA QUẢN TRỊ SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN HUẤN LUYỆN
Sự khác biệt của phong cách Quản trị sử dụng phương pháp tiếp cận Huấn luyện có thể được tóm tắt như sau:
- Nhà Huấn luyện sử dụng cách tiếp cận “Hỏi thay vì Chỉ bảo”: Đừng nói với nhân viên họ phải làm gì, thay vào đó hãy hỏi những câu hỏi có sức ảnh hưởng. Đó là các câu hỏi giúp nhân viên tự hình thành những giải pháp cho riêng mình. Khi họ trải qua quá trình suy nghĩ để đưa ra giải pháp, họ sẽ trở nên gắn kết hơn với công việc – bởi đó là ý tưởng của chính họ!
- Nhà Huấn luyện tập trung vào Nhân viên thay vì Nhiệm vụ - đó là vì sự phát triển của họ - con người.
- Huấn luyện không phải là “sửa chữa” ai đó. Một lần nữa, Huấn luyện là vì sự phát triển của con người. Hãy tạo điều kiện thuận lợi để họ học hỏi.
- Huấn luyện thiết lập một cơ cấu trách nhiệm rõ ràng cho các hành động và kết quả. Điều này giúp nhân viên luôn giữ được sự tập trung để đạt được mục tiêu mong muốn.
- Huấn luyện là việc nên làm ngay khi cần thiết. Đó là cách thức tốt nhất để học hỏi, củng cố lý thuyết thông qua tích lũy kinh nghiệm làm việc thực tiễn.
HUẤN LUYỆN THÔNG QUA ĐỐI THOẠI
Yếu tố nào giúp một buổi Huấn luyện đạt “hiệu quả”? Câu trả lời là thông qua đối thoại (hỏi) thay vì độc thoại (chỉ dẫn). Các câu hỏi huấn luyện tốt nhất là:
- Câu hỏi mở
- Tập trung vào những kết quả hữu ích; và,
- Không phán xét (tránh câu hỏi “tại sao?”)
Dưới đây là một số ví dụ hay về câu hỏi mở so với những câu hỏi đóng:
Câu hỏi mở/mời gọi:
- Tình hình của việc “x” thế nào rồi?
- Tôi có thể giúp gì được cho anh/chị?
- Anh/chị có thể kể với tôi về vấn đề đó được không?
- Chia sẻ với tôi về quá trình tư duy của anh/chị được không?
- Có cách tiếp cận nào khác mà anh/chị có thể sử dụng trong lần tới không?
- Cảm xúc của anh/chị ảnh hưởng như thế nào đến đánh giá của anh/chị về tình hình đó?
Câu hỏi đóng/đánh giá
- Anh/chị đã làm xong chưa?
- Anh/chị có vấn đề gì à?
- Anh/chị đã mắc lỗi à?
- Có chắc là giải pháp này sẽ thực sự giải quyết được vấn đề không?
- Điều gì khiến anh/chị nghĩ đây là ý kiến tốt?
- Rõ ràng thế còn gì, đúng không?
- Không phải tôi đã nói về việc này rồi à?
- Tại sao anh/chị lại không làm việc ”x”?
5 KỸ NĂNG HUẤN LUYỆN MỌI NHÀ QUẢN LÝ NÊN BIẾT
Vậy làm cách nào để Nhà Quản Lý hành động giống một Nhà Huấn luyện? Dưới đây là 5 kỹ năng mà mọi nhà Quản lý cần biết để trở thành một Nhà Huấn luyện:
- Đặt những câu hỏi hay để khơi gợi quá trình Huấn luyện.
- Tương tác với nhân viên tại chính điểm họ đang gặp khúc mắc
- Dẫn dắt cuộc trò chuyện (sử dụng câu hỏi thay vì những chỉ dẫn) để đạt được thoả thuận giữa hai bên về các ưu tiên phát triển.
- Đảm bảo các thông tin phản hồi được nhân viên lắng nghe và hiểu rõ. Một lần nữa, cách tốt nhất là đặt những câu hỏi làm sáng rõ.
- Chủ động hỗ trợ nhân viên thông qua một cam kết chung hướng tới mục tiêu, trách nhiệm và các bước hành động.
Quản trị theo phương pháp tiếp cận Huấn luyện thực sự là một thử thách dành cho bất kỳ nhà Quản lý nào, nhưng đây là một thử thách đáng để tiếp nhận và đương đầu. Bởi rõ ràng, các nhân viên, doanh nghiệp và thậm chí sự nghiệp của bạn đều sẽ được hưởng lợi một khi bạn bắt đầu áp dụng lối tư duy Quản trị như một Nhà Huấn luyện. Vậy bạn đã sẵn sàng cho thử thách trở thành Nhà Huấn luyện chưa?
Source: PeopleResult’s Current blog.
Xem thêm: Khóa học Kỹ năng huấn luyện và kèm cặp nhân viên